Biết thêm về cuộc khởi nghĩa của Hai bà Trưng

Nguồn: Blog của Nguyễn Xuân Hưng


Chúng ta biết gì về Hai Bà Trưng?

Câu hỏi này tưởng như… ngớ ngẩn.

Trước đến nay, sách giáo khoa sử của ta đều dạy học sinh: Hai Bà Trưng là hai vị anh hùng chống quân xâm lược nhà Hán, quê ở Mê Linh, do chồng là Thị Sách bị Thái thú Tô Định giết,   khởi nghĩa thắng lợi, làm vua và đóng đô ở Mê Linh. Sau đó, Mã Viện mang quân đến đánh, Hai Bà địch không nổi, tự tử ở sông Hát. Tuy nhiên…

Gần đây, với những tư liệu và phân tích mới, hiểu biết về Hai Bà Trưng nên phổ biến rộng rãi và bàn luận công khai, góp phần soi sáng một nhân vật lịch sử, một giai đoạn lịch sử. Có một số vấn đề sau, tôi chỉ biên soạn và tóm tắt lại các bàn luận mà tôi đã đọc:

1/Tên của Hai Bà Trưng

 Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) chép rằng, bà họ Trưng, tên Trắc, lại viết rõ là trước kia họ Lạc, con gái Lạc tướng Châu Diên. Đoạn này rất tối nghĩa. Có tác giả cho rằng, ĐVSKTT do các sử gia là các Nho gia đời sau chép, sao chép từ tiểu sử của bà Trưng do sách Tàu chép ra. Người Tàu chép về bà Trưng theo nguyên tắc dùng chữ Hán ghi âm Việt cổ, và theo quan niệm của họ về tên người. Thực ra, thời Hùng vương cho đến Nam Việt, người Việt bản địa chưa có họ, đều gọi theo tên. (Ngày nay, người Tây Nguyên và người Lào đều không có họ, mới chỉ có họ vài chục năm nay). Trưng thực ra là một từ cổ có nghĩa là “lớn”. Bánh Chưng cũng có nghĩa là bánh lớn, bánh cả. Có tác giả còn chỉ rõ, thực ra âm cổ phải là “Chương”. Còn Trắc và Nhị là âm cổ của từ Nhất, Nhì- Một, Hai. Như vậy Bà Trưng có nghĩa là “Bà Lớn”. Trưng Trắc, Trưng Nhị là “Lớn Cả, Lớn Hai”, hay Lớn nhất, Lớn nhì. Cái gọi là họ Trưng hay họ Lạc chỉ là tưởng tượng của sử gia Tàu mà thôi.

2/Tên của ông Thi Sách.

Có một tác giả cho rằng, trong nguyên bản sử Trung Quốc, Hán sử và các bộ sử khác của Tàu chép về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, thì chỉ có “ông Thi”, chứ không có ông Thi Sách. Nhầm lẫn là do âm “thi” sát với âm “sách”, sách có nghĩa là sách động, lôi kéo, đoạn này nói ông Thi lôi kéo dân chúng chống lại Tô Định, nên Tô Định giết đi. Các cụ sử gia Việt đọc nhầm là ông Thi Sách.

3/Hai Bà Trưng khởi nghĩa ở đâu?

Câu này có vẻ… ấm ớ. Hai Bà Trưng khởi nghĩa ở Việt Nam ngày nay chứ ở đâu. Tuy nhiên, chưa đúng. Hai Bà Trưng khởi nghĩa ở Châu Diên, nhưng quy mô rất lớn, chiếm được 65 thành trì của nhà Hán. ĐVSKTT cũng chép rằng các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng. Như vậy, có thể sơ bộ hình dung được quy mô cuộc khởi nghĩa là ở khu vực nước Nam Việt (của nhà Triệu) cũ, gồm phần Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc (Quảng Đông, Quảng Tây, Côn Minh và đất đai thuộc Trung Quốc kéo đến hồ Động Đình ngày nay)

Với một quy mô như vậy, nên Hai Bà mới tịch thu được 65 thành trì. Việc này rõ ràng chính sử nước ta đã ghi, ĐVSKTT chép rõ, không hiểu tại sao các thày giáo làm sử viết sách giáo khoa cố tình thu hẹp quy mô của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Hiện tại, phía Nam Trung Quốc còn nhiều đền thờ Vua Bà. Chắc chắn cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là một lần cố gắng khôi phục lại quốc gia Nam Việt của nhà Triệu. Nhà Triệu trị vì phần đất đai thuộc các bộ tộc Việt, trong đó có Lạc Việt, thì việc áp chế đồng hóa còn rất ít, giữ lại các phong tục cổ xưa, độc lập với nhà Hán. Chỉ khi nhà Hán tiêu diệt nhà Triệu, mới áp dụng các biện pháp đồng hóa khắc nghiệt, nên mới nổ ra cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng trên phần đất của người Việt. Dữ kiện lịch sử này phù hợp với lịch sử về thời kỳ Mẫu hệ của các bộ tộc Việt.

4/ Hai Bà Trưng chết ở đâu?

Hiện nay, các nhà sử học đang tranh luận rất dữ dội về việc các địa danh trong tài liệu lịch sử. Ở Việt Nam và Trung Quốc đều có nhiều địa danh giống nhau. Các trận đánh của Mã Viện cũng không phải ở phần đất Việt Nam ngày nay. Do đó, chưa chắc Hai Bà Trưng đã chết ở Hát giang Việt Nam, mà là Hát Giang ở Trung Quốc. Hiện tại, Trung Quốc còn có truyền thuyết Mã Viện cắt đầu bà Trưng mang về kinh đô nhà Hán.

5/Các ngọc phả đền Hai Bà Trưng và vấn đề ngày sinh, ngày mất.

Việc thờ phụng Hai Bà Trưng ở khắp lãnh thổ Nam Việt cũ. ĐVSKTT cũng chép rõ, mục sau khi Hai Bà mất, thì dân các nơi lập đền thờ, “Phiên Ngung đất cũ cũng có”. Như vậy là phía Nam Trung Quốc cũng có. Các đền thờ đều có Ngọc phả, ghi lại công đức của người được thờ phụng. Đó là những văn bản thường được tô vẽ công tích, ít có giá trị lịch sử chân thực. Cho nên chuyện ngày sinh bà Trưng cũng không thể tin. Ngày xưa, tập quán thờ ngày mất, ít khi để ý đến ngày sinh. Ngày mất của Hai Bà cũng không rõ, ĐVSKTT chỉ ghi: Tháng Giêng năm 42 Mã Viện tiến quân… “đánh nhau với vua”, cũng không chép rõ đánh đến bao giờ thì được, chắc rằng không lâu, có thể một tháng… nhưng không rõ ngày nào.

Cuộc chiến "phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam" trong lòng nước Mỹ

Nhìn lại “cuộc chiến trong lòng nước Mỹ”
22:17', 15/4/ 2005 (GMT+7)
Người dân Việt Nam vẫn còn nhớ hình ảnh người Mỹ Norman Morrison đã tự thiêu ngay trước Lầu Năm góc ở thủ đô Washington để phản đối chiến tranh Việt Nam qua bài thơ “Emily, con ơi” của nhà thơ Tố Hữu. Đó là ngày 2-11-1965, 8 tháng sau khi quân đội viễn chinh Mỹ bắt đầu đặt chân vào Đà Nẵng của Việt Nam. Hành động này đã làm bùng lên phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam đã âm ỉ từ lâu ngay trong lòng nước Mỹ. Cùng với phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam trên toàn thế giới, phong trào phản chiến trong lòng nước Mỹ đã góp phần chấm dứt sự can thiệp của quân đội Mỹ vào miền Nam Việt Nam.

Trước Lầu Năm góc thường xuyên diễn ra các cuộc biểu tình phản đối Mỹ xâm lược Việt Nam. 

Theo hồi tưởng của vợ của Norman Morrison, bà Anne Morrison Welsh, vào buổi sáng hôm đó, Morrison bế con gái thứ ba của mình, bé Emily, 1 tuổi, đi đến trước Lầu Năm góc. Sau đó, ông đặt Emily xuống, gửi cho một người trong đám đông xung quanh, đổ dầu lên người và châm lửa.

Trong cuốn hồi ký của mình, McNamara viết: “Cái chết của Morrison không chỉ là bi kịch cho gia đình anh ta mà còn cả cho tôi và nước Mỹ. Đó là một tiếng kêu gào chống lại những giết chóc đang hủy hoại cuộc đời của những người Mỹ và người Việt”.

Phong trào phản chiến bắt đầu từ đầu thập niên 1960, nhưng không gây ấn tượng nhiều. Cho đến khi Morrison tự thiêu vào năm 1965, thì dường như cả thế giới mới biết đến.

Ngày 15-11-1969, bốn năm sau đó, một cuộc tuần hành 250 ngàn người nổ ra ở đại lộ số 5 trung tâm New York, chỉ cách Quảng trường Thời đại (Times Square) vài dãy phố. Cùng lúc là hàng loạt các cuộc xuống đường ở nhiều thành phố lớn tại cả bờ Đông và bờ Tây nước Mỹ.

Cuộc biểu tình này vượt tầm kiểm soát của chính quyền Mỹ. Các quan chức Mỹ hỏi nhau: chuyện gì đang xảy ra và tại sao? Trước đó, người Mỹ chỉ nghe về cuộc chiến tranh Việt Nam qua loa tuyên truyền của chính quyền Mỹ. Nhưng cho đến cuộc tấn công mùa xuân 1968, báo chí Mỹ, đặc biệt là truyền hình Mỹ đã truyền tải hình ảnh cuộc chiến Việt Nam đến tận từng gia đình người Mỹ. Người Mỹ nhìn thấy tận mắt binh lính họ châm lửa đốt nhà dân thường, bắn chết người vô tội, những em bé bị bom na pan bốc cháy, tòa đại sứ Mỹ bị tấn công, binh lính Mỹ kéo lê xác đồng đội…

Họ tự hỏi: Tại sao lại như thế và lính Mỹ đang hy sinh vì cái gì, người Mỹ mang dân chủ đến Việt Nam như thế sao? Và người dân Mỹ khẳng định Mỹ không thể thắng trong chiến tranh Việt Nam. Phong trào phản chiến lan nhanh không chỉ trong dân chúng mà cả trong quân đội Mỹ. Theo trang web của Phong trào chống chiến tranh Việt Nam, đã có hàng trăm sĩ quan Mỹ bị bắn vì phản đối chiến tranh, nhà tù Mỹ bị đốt và hàng ngàn lính Mỹ từ chối tham gia chiến đấu.
Hình ảnh phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam vẫn tiếp tục đi theo các cuộc biểu tình chống chiến tranh ngày nay.

Phong trào phản chiến bước sang một bước ngoặt mới khi cuộc biểu tình của sinh viên Đại học Kent State (bang Ohio) ngày 4-5-1970 đã bị Vệ binh quốc gia Mỹ đàn áp. Kết quả là 4 sinh viên bị bắn chết và 9 người khác bị thương.

Việc này gây sốc toàn nước Mỹ. Hàng trăm thành phố nổi dậy, có thể nói cả một thế hệ thanh niên và trung niên, đặc biệt cộng đồng người gốc Phi và người gốc Mỹ Latinh, đã tham gia phong trào phản chiến. Đó thật sự là cuộc chiến ngay trong lòng nước Mỹ.

Tổng cộng có hơn 200 tổ chức chống chiến tranh xâm lược ở trên khắp các bang ở Mỹ, 16 triệu trong số 27 triệu thanh niên Mỹ đến tuổi quân dịch đã chống lệnh quân dịch, 2 triệu người Mỹ “gây thiệt hại bất hợp pháp” vì chống chiến tranh xâm lược Việt Nam, 75.000 người Mỹ bỏ ra nước ngoài vì không chịu nhập ngũ và đấu tranh chống chiến tranh xâm lược, trong đó có cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton.

Phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam được xem là hình mẫu của phương cách tập hợp quần chúng ở các nước phương Tây. Phong trào chống toàn cầu hóa phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây đã từng rút kinh nghiệm từ phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam.

Có thể nói, báo chí đã đóng vai trò rất quan trọng trong phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam. Cũng từ vai trò của báo chí Mỹ trong phong trào này, Chính phủ Mỹ đã ý thức được rằng cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn nữa giới truyền thông. Và từ đó, trong các cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, cuộc chiến Nam Tư, Afghanistan rồi Iraq mới đây, thông tin về cuộc chiến của báo chí Mỹ bị kiểm soát chặt chẽ.

Cựu Tổng thống Mỹ Nixon đã thú nhận: “Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, giới cầm quyền Mỹ không phải chỉ thua trên chiến trường mà còn thua ngay trên nước Mỹ, ở các hành lang của quốc hội, trong phòng ăn các công ty, trong các phòng giám đốc của các tổ chức nghiên cứu, chủ bút của các tờ báo và của hệ thống vô tuyến truyền hình, trong các hội trường ở Gorge Town, các phòng khách của “những người đẹp” ở New York và trong các lớp học của các trường đại học lớn. Đó là những tầng lớp đã đưa lại sức mạnh, bảo đảm thắng lợi cho Mỹ trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất và lần thứ hai, nhưng đã làm cho Mỹ thất bại một trong những cuộc chiến đấu trọng yếu nhất của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba, đó là Việt Nam...”. 
QUỲNH NHƯ tổng hợp
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã được thế giới ủng hộ mạnh mẽ bằng nhiều hình thức hết sức phong phú. Trong đó, có:* Hơn 10 Ủy ban quốc tế đoàn kết với Việt Nam của các tổ chức dân chủ, tôn giáo và tổ chức xã hội trên toàn thế giới.

* Hơn 200 tổ chức, ủy ban, phong trào đoàn kết ủng hộ Việt Nam ở hầu hết các nước trên thế giới.

* Hơn 30 hội nghị quốc tế về Việt Nam và nhiều hội nghị quốc tế khác đã dành thời gian thảo luận bàn biện pháp để ủng hộ Việt Nam.

* Một Ủy ban quốc tế và hơn 20 ủy ban quốc gia điều tra tội ác chiến tranh của Mỹ ở Đông Dương đã được thành lập. Họ đã cử nhiều đoàn sang Việt Nam điều tra tội ác chiến tranh xâm lược và mở nhiều tòa án quốc tế xét xử những tội ác chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, nhóm họp nhiều lần ở Thụy Điển, Đan Mạch, Pháp...

* Hàng trăm nước có mít tinh, biểu tình, bãi công chống Mỹ xâm lược Việt Nam.

* Hơn 50 nước có phong trào quyên góp ủng hộ Việt Nam.

* Hơn 160 triệu người ở nhiều nước ghi tên tình nguyện sang Việt Nam đánh Mỹ.

* 16 nước có phong trào hiến máu ủng hộ Việt Nam.

* 48 người ở bốn nước tự thiêu (trong đó có 16 công dân Mỹ) để phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam.

* 83 cơ quan đại diện Mỹ ở các nước bị người dân đập phá, cờ Mỹ bị nhân dân ở 73 nước đốt để phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam.

Muốn thay đổi xã hội hãy thay đổi bản thân mình trước tiên.

Bạn có nhớ lời dạy của cổ nhân: "Tu thân, tề gia, trị quốc"? Mọi gốc rễ phải bắt đầu từ việc "tu thân".

Bản quyền thuộc kênh VN Youtuber.






Các căn cứ quân sự của Mỹ xung quanh Trung Quốc (tham khảo và suy ngẫm)


Video này được đăng bởi kênh VN Youtuber. Các bạn cần tôn trọng bản quyền của tác giả.




Sinh viên chưa tốt nghiệp đã được tuyển dụng với lương tháng 60 triệu đồng











Sinh viên chưa tốt nghiệp đã được tuyển dụng với lương tháng 60 triệu đồng

THÙY LINH
(GDVN) - Năm 2016, dù chưa tốt nghiệp nhưng Bách đã trúng tuyển vào công ty Rakuten (Nhật Bản) với mức lương khởi điểm gần 3.000 USD/tháng (khoảng 60 triệu đồng).

Nguyễn Xuân Bách (sinh năm 1994, tại Thái Nguyên) hiện đang là sinh viên năm thứ 5 chương trình Việt Nhật - Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Bách khoa Hà Nội).

Năm 2016, dù chưa tốt nghiệp nhưng Bách đã trúng tuyển vào công ty Rakuten (Nhật Bản) với mức lương khởi điểm gần 3.000 USD/tháng (khoảng 60 triệu đồng).

Khi ra trường, Bách sẽ chính thức đi làm công việc với một mức lương mà nhiều người mơ ước thậm chí là những người đã đi làm lâu năm.

Công việc sắp tới của em là kỹ sư phần mềm tại chi nhánh Tokyo. Em dự định sau khi tốt nghiệp sang Nhật làm việc vào cuối tháng 10 tới đây”, Bách tâm sự. 

Nguyễn Xuân Bách hiện đang là sinh viên năm thứ 5 chương trình Việt Nhật - Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Bách khoa Hà Nội) (Ảnh: Nguyễn Hằng)
Chàng trai quê Thái Nguyên cho hay, thông thường sinh viên học chương trình Việt Nhật sẽ đi phỏng vấn trước khi tốt nghiệp khoảng một năm. Nếu công ty nhận vào làm việc thì sẽ ký thỏa thuận (tiếng Nhật gọi là naitei). Trường hợp của Bách được nhận naitei vào tháng 5/2016.

Theo Bách, hiện các công ty phía Nhật Bản khá khó khăn trong việc tìm kiếm các ứng viên do vậy họ mở rộng tìm kiếm sang các nước, trong đó có Việt Nam.

Bách biết công ty tuyển dụng qua sự kiện Jobfair (ngày hội việc làm) dành cho sinh viên diễn ra ở Hà Nội nên Bách đã chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển.

Ngoài củng cố kiến thức, em theo học khóa hướng dẫn kỹ năng phỏng vấn với công ty Nhật Bản, đặc biệt dành thời gian nghiên cứu về văn hóa công ty nơi mình nộp hồ sơ ứng tuyển.

Từ đó Bách nhận ra rằng, mình phải bổ sung thêm tiếng Nhật để cho hợp với chuyên ngành của mình.

Hơn nữa, để hồ sơ được nằm trong phạm vi xét duyệt, Bách buộc đã phải đáp ứng các tiêu chí sau: có (sắp có) bằng Đại học, TOEIC 800.

Khi tuyển dụng, công ty không yêu cầu có bằng tiếng Nhật nhưng Bách vẫn đáp ứng được chứng chỉ ngoại ngữ này.

Việt Nam giành thứ hạng cao nhất từ trước tới nay về lập trình viên

(GDVN) - Thông tin trên được thầy Hồ Đắc Phương – Trưởng đoàn Đội tuyển Java # Việt Nam dự thi Lập trình sinh viên quốc tế toàn cầu ACM/ICPC 2015.
Chàng trai 9X chia sẻ: “Đây là công ty thứ 4 của Nhật Bản mà em đi phỏng vấn để xin việc.
Qua mỗi lần phỏng vấn, em rút được kinh nghiệm khi nói chuyện với nhà tuyển dụng và dần dần nâng cao kỹ năng trả lời của mình”.

Ấn tượng của Bách khi nói về buổi phỏng vấn với các công ty Nhật Bản đó là bên cạnh những câu hỏi chuyên môn thì nhà tuyển dụng thường hỏi thêm nhiều về quan điểm cá nhân, sở trường…

Khi được hỏi về điểm mạnh của mình, Bách trả lời đó là lòng nhiệt huyết với công việc, tinh thần trách nhiệm cao. Có thể vì điều này mà em được nhà tuyển dụng đánh giá cao.

Để có thành công như ngày hôm nay, ngay từ khi bước chân vào Đại học Bách khoa Hà Nội, Bách đã đặt ra các kế hoạch, mục tiêu cụ thể để hành động.

Ví dụ, để có được một công việc thì Bách đã tìm hiểu rất kỹ về đất nước, con người và doanh nghiệp của Nhật Bản từ đó cậu sinh viên nhận ra rằng, dân số Nhật đang già hóa nên đất nước Nhật rất cần những người trẻ có khả năng làm việc cho họ.

Vì vậy, Bách đã không ngừng học tập về chuyên môn kĩ thuật, ngoại ngữ và học hỏi thêm cả văn hóa làm việc của người Nhật để đạt được hiệu quả công việc được giao.

Bên cạnh đó, Bách cũng luôn quan niệm rằng, các doanh nghiệp Nhật Bản rất khắt khe, nghiêm khắc, kỉ cương đó sẽ đào tạo con người làm việc khá tốt.

Để củng cố cho mục tiêu của mình, bên cạnh việc học ở trường thì ngay từ khi còn là sinh viên năm thứ 3, Bách đã đi làm thêm ngoài giờ đi học cho một công ty phần mềm của Nhật Bản. 

Chuyện của chàng trai quyết tâm bỏ đại học để đi học nghề

(GDVN) - Em Nguyễn Văn Thiết đã thi đỗ và từng học đại học một thời gian rất ngắn, sau đó em nhận ra rằng học đại học không phải là con đường thành công duy nhất.
Do chỉ học tiếng Nhật ở trường mà ngành Công nghệ thông tin lại cần tiếng Anh nên Bách học thêm tiếng Anh ở ngoài.
Nhờ đó em có thêm lợi thế khi phỏng vấn với Rakuten - vốn là công ty quốc tế sử dụng nhiều tiếng Anh.

Dù được trả 60 triệu/tháng nhưng Bách cho rằng, mức lương này chưa phải là quá cao so với thị trường quốc tế.
Bách cũng rất tự tin cho rằng, không có gì bất ngờ và quá vui mừng với công việc và mức lương như thế, bởi một số anh chị học khóa trước khi ra trường cũng đã có được mức lương đó và Bách cũng đã sẵn sàng đối mặt với những áp lực công việc này.

Ở trong nước, đối với sinh viên mới ra trường sẽ vẫn có nhiều cơ hội nhưng em muốn làm việc ở nước ngoài, trong những môi trường có nhiều áp lực để có thêm kinh nghiệm. 
Em muốn ở nước ngoài một vài năm để có thêm kinh nghiệm làm việc ở môi trường quốc tế. Sau đó em sẽ trở về Việt Nam”, Bách cho hay.
40 TRANG WEB HỌC ONLINE DẠY BẠN CÔNG NGHỆ VÀ NGOẠI NGỮ...

40 TRANG WEB HỌC ONLINE DẠY BẠN CÔNG NGHỆ VÀ NGOẠI NGỮ...

Những website dưới đây là công cụ đơn giản cung cấp cho bạn lượng kiến thức về mọi lĩnh vực từ khoa học, kinh tế, nghệ thuật, xã hội cho đến những xu hướng công nghệ mới nhất, hoàn toàn miễn phí hoặc với chi phí cực thấp so với việc đi học ở trường hay các trung tâm.

Điều đặc biệt là nhiều nền học online cho phép người dùng có thể học trên điện thoại với các bài học được chia nhỏ theo thời lượng vài phút hay 1 tiếng khiến cho việc học của bạn trở nên thú vị và cực kỳ linh hoạt ngay cả khi bạn phải di chuyển.
Không còn lí do gì biện hộ cho việc không có cơ hội học thứ này thứ kia hay lười biếng nữa. Không cần phải lên lớp học gò bó, bạn hoàn toàn có thể ngồi ở nhà, ở bất cứ đâu mà vẫn theo học được các chương trình đào tạo trực tuyến chất lượng.
Hãy cùng điểm lại các nguồn học tuyệt vời dưới đây, bấm vào tên để đến địa chỉ học nhé.

1. Học lập trình
Codecademy — Học code miễn phí qua các bài học tương tác thú vị, được thực hành trực tiếp
Microsoft Virtual Academy —  Học thiết kế web, game, app, phát triển nền tảng cloud, dữ liệu lớn,… miễn phí cùng các chuyên gia của Microsoft. Công ty thậm chí còn cho ra mắt một khóa lập trình cơ bản dành riêng cho người Việt, xem ở đây.
Udacity —  Học code và data science từ A đến Z qua video trực quan tuyệt vời từ các chuyên gia của Google, Facebook. Tương tự như Coursera và edX, bạn có thể chọn gói miễn phí (không lấy bằng) hoặc trả phí (để lấy bằng nanodegree làm đòn bẩy cho sự nghiệp).
Platzi —  Học trực tuyến về thiết kế, marketing và code miễn phí từ các chuyên gia trong giới startup công nghệ tại Mỹ
CodeCombat —  Học lập trình qua game
Code School —  Học code thực hành
Code4Startup —  Học lập trình nhanh chóng cho startup qua hướng dẫn code lại các website, ứng dụng nổi tiếng như Airbnb, Product Hunt, Tinder,…
Thinkful —  Nâng cao trình độ với chuyên gia kèm 1-1
Free Code Camp —  Học code miễn phí để giúp đỡ cộng đồng
Code.org —  Bắt đầu học từ hôm nay với các bài giảng cơ bản
BaseRails —  Luyện Ruby on Rails và các kỹ năng công nghệ khác
Treehouse — Học HTML, CSS, ứng dụng iPhone và hơn thế nữa
One Month —  Học code và xây dựng ứng dụng, website trong vòng 1 tháng
Dash —  Học các kỹ thuật thiết kế web mới nhất

2. Học Data Science – Lĩnh vực đang cực hot hiện nay
DataCamp —  Các bài giảng R và khoa học dữ liệu
DataQuest —  Học data science ngay trên trình duyệt
DataMonkey —  Phát triển kĩ năng phân tích dữ liệu theo cách đơn giản nhưng thú vị
Ngoài ra, các nền tảng học online như Coursera, Udacity, edX ở trên cũng đều có rất nhiều khóa học về data science và data analysis.

3. Học ngoại ngữ
Duolingo —  Học nhiều ngoại ngữ miễn phí
Lingvist —  Học ngoại ngữ trong 200 giờ
Busuu —  Cộng đồng học ngoại ngữ miễn phí
Memrise —  Sử dụng flashcards để học từ vựng

4. Mở rộng kiến thức
TED Talks —  Tổng hợp các bài diễn thuyết chia sẻ những ý tưởng đột phá nhất về khoa học, giáo dục, thiết kế (nhiều video có sub tiếng Việt)
Guides.co —  Các bài chỉ dẫn chi tiết về mọi thứ từ viết content marketing cho đến khởi nghiệp
Squareknot —  Tương tự như Wikihow, Guides.co cung cấp các bài hướng dẫn sinh động và đẹp mắt về mọi thứ trong cuộc sống.

5. Các nền tảng cung cấp khoá học online:
edX —  Học các khóa học online từ các trường đại học tốt nhất trên thế giới. Một trong những khóa học nổi tiếng được hàng trăm ngàn người theo học trên edX là Introduction to Computer Science (Nhập môn Khoa học máy tính – CS50x) của Đại học Harvard.
Coursera —  Học các khóa online miễn phí từ các trường đại học hàng đầu thế giới với nhiều khóa có subtitle tiếng Việt. Bạn có thể chọn gói học miễn phí (vẫn được xem đầy đủ tài liệu, video học) hoặc trả phí (để lấy chứng nhận từ các trường đại học danh tiếng khi hoàn thành khóa học).
ALISON —  Học các khóa online miễn phí từ các trường đại học Anh, Mỹ và các chuyên gia từ Google, Microsoft,…
Khan Academy —  Tổng hợp các khóa học Toán, Lý, Hóa, Kinh tế, Kinh doanh,… hoàn toàn miễn phí với giao diện và trải nghiệm tuyệt vời
MIT Opencourseware —  Các khóa học về mọi lĩnh vực được giảng dạy tại Học viện công nghệ Massachusetts (MIT), cung cấp sách, tài liệu bản mềm và video bài giảng
Open Yale Courses —  Các khóa học về mọi lĩnh vực được giảng dạy tại Đại học Yale
Coursmos —  Học khóa học vi mô (thời lượng ngắn) ở bất kỳ đâu, trên bất kỳ thiết bị nào
Highbrow —  Nhận các khóa học được chia nhỏ gửi tới hòm mail của bạn hàng ngày (miễn phí)
Skillshare — Các khóa học và dự án online mở ra sự sáng tạo của bạn với mức giá chỉ $12/tháng để truy cập vào kho học liệu khổng lồ các kỹ năng hot nhất cho công việc hiện nay
Curious —  Phát triển kĩ năng với các bài học video online trên giao diện (cả web và app) cực đẹp
lynda.com —  Học công nghệ, kĩ năng sáng tạo và kinh doanh
CreativeLive —  Học các khóa học sáng tạo miễn phí từ các chuyên gia hàng đầu thế giới
Udemy —  Học mọi kỹ năng hot nhất cho công việc, từ thiết kế, phát triển web/app, marketing hay kinh doanh với hàng nghìn khóa học miễn phí và trả phí từ các chuyên gia trong ngành
Open Learn —  Tổng hợp các khóa học miễn phí về mọi lĩnh vực cho mọi người
How to start a startup —  Tổng hợp các bài học (qua video và tài liệu đọc) được truyền dạy trong vườn ươm khởi nghiệp hàng đầu thế giới Y Combinator

6. Web khác
Chesscademy —  Học cách chơi cờ miễn phí
Pianu —  Cách mới để học chơi piano online
Yousician — Gia sư dạy ghita riêng cho thời đại công nghệ

QTS cũng cung cấp các khoá học online bao quát các lĩnh vực trong phạm trù ngành kinh doanh với chi phí ưu đãi cho một tấm bằng chất lượng Úc. Ở đây bạn sẽ được học thông qua các phương pháp lúc là slide power point, lúc là video hay là trang sách- giúp bạn không bị nhàm chán trong việc tiếp nhận thông tin.
Hãy cùng tham khảo tại website: http://www.qts.edu.vn/
Đại học trực tuyến có cấp bằng, miễn hoàn toàn học phí

Đại học trực tuyến có cấp bằng, miễn hoàn toàn học phí



University of the People, viết tắt là Uopeople là một trường đại học phi lợi nhuận ở Mỹ, đào tạo miễn phí 4 năm học cho sinh viên dưới hình thức học trực tuyến, đáp ứng nguyên vọng học tập của những sinh viên từ khắp các nước trên thế giới. Trường đã chính thức được Hội đồng Giáo dục và Đào tạo từ xa của Mỹ cấp chứng chỉ kiểm định chất lượng vào tháng 2 năm 2014.


Người sáng lập Uopeople là Shai Reshef, một doanh nhân người Israel, ông đã đầu tư hàng triệu đô la vào trường đại học phi lợi nhuận này. Khi trường được cấp chứng nhận, ông phát biểu: “Thật tuyệt vời, đặc biệt đối với những sinh viên sắp tốt nghiệp vào tháng 4.2014, họ sẽ nhận được bằng đại học từ ngôi trường đã được cấp chứng nhận. Đây cũng là một vấn đề băn khoăn của bất kì ai có ý định đăng ký học. Chúng tôi có tới 1,2 triệu người ủng hộ trên Facebook, chỉ đứng thứ 2 sau Havard và mỗi ngày đều có những cuộc thảo luận về thời gian trường được cấp chứng nhận”.
Hiện tại, với giấy chứng nhận từ Hội đồng giáo dục và đào tạo từ xa thuộc Bộ giáo dục Hoa Kỳ, ông Reshef cho rằng: quy mô trường sẽ tăng đáng kể, mong muốn lên tới 5000 sinh viên vào năm 2016.
Gần đây, trường có 700 sinh viên đến từ 142 quốc gia khác nhau đăng kí chương trình đại học khoa quản trị kinh doanh và khoa học máy tính. Có 30% đến từ châu phi, 25% từ Mỹ mà hầu hết là dân nhập cư. Mặc dù lớp học trong khoá đầu có phần khiêm tốn với chỉ 7 học viên, nhưng có cả sinh viên từ Syria và Jordan.
Chương trình học
Uopeople cấp bằng cử nhân đại học cho 2 ngành học là ngành Quản trị kinh doanh và Khoac học máy tính.
Trong chương trình học còn có các khoá học Khoa học và Nghệ thuật nhằm mục đích tăng cả chiều rộng và chiều sâu trong viêc giáo dục toàn diện cho mỗi sinh viên, thông qua việc cung cấp nhiều cơ hội để tạo ra sự kết nối liên ngành giữa quan niệm và ý tưởng cũng như tạo ra một môi trường để suy ngẫm và chiêm nghiệm.
Lớp học cung cấp tài liệu đều là văn bản với nguồn mở, nhiều sinh viên có thể tham gia học qua điện thoại di động nếu họ không thể kết nối internet tốc độ cao để xem các video trực tuyến. Trường vốn không hề thu phí ngoài khoản 0$- 50$ để đăng ký tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế của quốc gia mà sinh viên đó theo học. Ngoài ra, thí sinh phải đóng lệ phí thi với các môn học, mỗi môn phải đóng lệ phí 100 USD, tổng cộng có khoảng 40 môn học, tức là để được cấp bằng, thí sinh phải chi phí mất khoảng 4000 USD (khoảng 88 triệu đồng).
Ngay từ thời gian đầu, Uopeople đã thu hút được một lượng lớn ủng hộ, đối tác và hỗ trợ từ Đại học NewYork, tô chức Clinton Global Initiative, Quỹ Melinda Gates, Hiệp hội OpenCourseWare cùng nhiều tổ chức khác. Vào tháng 8, Microsoft đồng ý cấp học bổng, cố vấn và trao cơ hội nghề nghiệp cho 1000 sinh viên Châu Phi đăng kí học ở trường.
Điều kiện đăng ký học:
–       Từ 18 tuổi trở lên
–       Trình độ đọc hiểu các tài liệu tiếng anh
–       Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình học phổ thông gốc và bản dịch sang tiếng Anh.
–       Trong thời điểm này vì yêu cầu luật từ Mỹ, Oupeople không thể chấp nhận đơn đăng ký nhập học từ các thí sinh đến từ những bang sau: Alabama, Alaska, Arkansas, Illinois, Indiana, Iowa, Maryland, Minnesota, Missouri, Montana, Oregon, Wisconsin, and Wyoming
Tiến trình nộp hồ sơ: 2 phần
Phần I: – Diễn ra online và yêu cầu thí sinh cung cấp thông tin cá nhân và trả lời một số câu hỏi bài luận. Bạn có thể đăng nhập và hoàn thành đơn đăng kí ngay tại quốc gia của mình
Phần II: – Offline, bao gồm gửi tất cả những giấy tờ liên quan đến Văn phòng tuyển sinh qua bưu điện.
Email của trường: admissions@uopeople.org.
Thu Đỗ lược dịch
Nguồn:
CHỦ NGHĨA TƯ BẢN THẾ KỶ 21, CÓ TỰ ĐIỀU CHỈNH?

CHỦ NGHĨA TƯ BẢN THẾ KỶ 21, CÓ TỰ ĐIỀU CHỈNH?

Vì sao chủ nghĩa tư bản điều chỉnh không tránh được khủng hoảng chu kỳ?
14:2' 10/10/2008
 
  
Tại khoá họp thường niên lần thứ 63 của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 23-9-2008. Tổng thống Pháp Ni-cô-la Xác-cô-di (Nicolas Sarkozy), Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi các nhà lãnh đạo chủ chốt của thế giới tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh vào tháng 11 tới để rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay, đồng thời tái xây dựng “một chủ nghĩa tư bản điều chỉnh”.
Vấn đề đặt ra là, vì sao lại phải tái xây dựng chủ nghĩa tư bản điều chỉnh? Phải chăng nó đã hoàn toàn không có khả năng tránh khỏi khủng hoảng chu kỳ?
Vào những năm 90 của thế kỷ XX, khi chủ nghĩa xã hội rơi vào khủng hoảng, thoái trào, chủ nghĩa tư bản không những không “giãy chết” mà còn tiếp tục phát triển, thậm chí, còn có những bước phát triển ngoạn mục; những con rồng, con hổ về kinh tế như Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á, xuất hiện như là một minh chứng cho sự “vĩnh hằng” của chủ nghĩa tư bản hiện đại, các nhà nghiên cứu lý luận và hoạch định chính sách của chủ nghĩa xã hội lúc đó không khỏi lúng túng khi luận quan điểm của V.I.Lê-nin:“chủ nghĩa đế quốc giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản”.
Các nhà lý luận tư sản khi đó đã đưa ra lý thuyết về chủ nghĩa tư bản hiện đại hay chủ nghĩa tư bản thích nghi, tự điều chỉnh... Đây là một bước tiến về nhận thức lý luận, tuy nhiên, người ta lại quá nhấn mạnh đến khả năng tự thích nghi, mà quên mất tính tự phát tư bản chủ nghĩa. Mặc dù, trong chủ nghĩa tư bản hiện đại, nhà nước có vai trò rất quan trọng trong việc điều hành vĩ mô nền kinh tế, khiến cho cơ chế tự điều chỉnh của chủ nghĩa tư bản có hiệu quả hơn nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế của chủ nghĩa tư bản bắt nguồn từ thị trường tài chính - địa ốc Mỹ hồi đầu năm nay, và hiện đang lan rộng ra toàn cầu đã chứng minh rằng, chủ nghĩa tư bản hiện đại đã không thể tránh khỏi quy luật khủng hoảng kinh tế vốn có của nó mà các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã phát hiện từ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Một câu hỏi lớn đã làm đau đầu các nhà lý luận tư sản rằng: vì sao các nước tư bản phát triển, đứng đầu là Mỹ, là nền kinh tế lớn nhất hành tinh, chiếm hơn 30% GDP thế giới lại không thể loại trừ,ngăn chặn, hạn chế được cuộc khủng hoảng đang diễn ra hiện nay? Trả lời câu hỏi này, có các ý kiến khác nhau, trong đó, có những nghiên cứu cho rằng: Chủ nghĩa tư bản điều chỉnh chỉ làm trầm trọng thêm tính chất của khủng hoảng kinh tế.
Chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước là sự dung hợp hay kết hợp sức mạnh của tổ chức độc quyền với sức mạnh của nhà nước tư sản thành một cơ cấu thống nhất, trong đó, nhà nước đóng vai trò trung tâm điều chỉnh nền kinh tế, nhằm bảo vệ lợi ích tối đa cho các tổ chức độc quyền, duy trì và củng cố quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Về đặc trưng bản chất của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước thể hiện trên hai khía cạnh: thứ nhất, sự kết hợp giữa hai thế lực, kinh tế và chính trị, tổ chức độc quyền và bộ máy nhà nước thành một cơ cấu thống nhất trong đó nhà nước có chức năng bảo vệ cho các tổ chức độc quyền; thứ hai, nhà nước có vai trò là trung tâm điều chỉnh vĩ mô nền kinh tế.
Trải qua các giai đoạn phát triển quan trọng gắn với các cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, nhất là những năm 80 của thế kỷ XX, với sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ mới đã dẫn đến toàn cầu hoá về kinh tế, chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước đã chuyển hoá thành chủ nghĩa tư bản độc quyền xuyên quốc gia. Trong nền kinh tế toàn cầu hoá, các công ty độc quyền xuyên quốc gia, siêu quốc gia là lực lượng chủ đạo chi phối thị trường thế giới. Người ta đã thống kê được rằng, khoảng hơn 200 công ty khổng lồ xuyên quốc gia đang chiếm giữ 30% GDP của thế giới, thu hút 70% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chiếm 70% mậu dịch quốc tế và trên 70% các hợp đồng chuyển nhượng kỹ thuật - công nghệ của thế giới. Trong bối cảnh toàn cầu hoá với độ sâu và diện rộng như hiện nay, khi một trong các công ty xuyên quốc gia lâm vào khủng hoảng thì tính hệ thống của nó cũng có nguy cơ bị phá vỡ và sự tác động gây khủng hoảng toàn cầu là khó tránh khỏi. Sự khủng hoảng của các “đại gia” tài chính ở Mỹ vừa qua đã nói lên điều đó.
Đảm nhận vai trò điều hành vĩ mô nền kinh tế của nhà nước tư bản chủ nghĩa. Ngày nay nhiều nước tư bản chủ nghĩa đã có luật chống độc quyền nhằm khuyến khích cạnh tranh bình đẳng, trên cơ sở luật pháp như là một động lực của sự phát triển. Tuy nhiên, quy luật tự do cạnh tranh vẫn tiếp tục phát huy tác dụng, nhất là trong lĩnh vực cơ cấu kinh tế (ngành, vùng, lĩnh vực), đặc biệt là thị trường chứng khoán - thị trường phái sinh của nền kinh tế. Tính chất “ảo” của thị trường chứng khoán đã che lấp đi những tín hiệu thực của nền kinh tế, làm cho những dấu hiệu tiền khủng hoảng của nền kinh tế không biểu hiện rõ nét. Vì thế, vai trò điều chỉnh vĩ mô nền kinh tế của nhà nước tư bản chủ nghĩa đã bị “chủ quan hoá”, để khi nhận ra thì đã quá muộn. Điều đó giải thích vì sao giải pháp bơm 168 tỉ USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và 700 tỉ USD của Chính phủ Mỹ vừa qua, theo dự báo của các nhà nghiên cứu, sẽ không mấy hiệu quả.
Thực tiễn nhiều năm qua đã cho thấy, vai trò quản lý vĩ mô nền kinh tế của các nhà nước tư bản chủ nghĩa chỉ có thể làm giảm độ sâu, biên độ của các cuộc khủng hoảng, kéo dài thời gian giữa các chu kỳ khủng hoảng. Nếu như trong thời kỳ chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh (thế kỷ XVIII, XIX), thời gian giữa các cuộc khủng hoảng chu kỳ thường là 8-10 năm, còn đến giai đoạn thống trị của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước, khoảng cách giữa các chu kỳ khủng hoảng đã được kéo dãn ra, và tính chất không đều của các cuộc khủng hoảng cũng xuất hiện. Cuộc khủng hoảng đầu tiên xảy ra vào năm 1825-1828; tiếp đó là các cuộc khủng khoảng với quy mô, tính chất có sự khác nhau: năm 1914-1918; năm 1929-1933; năm 1939-1945; và các cuộc khủng hoảng kinh tế gần nhất là trước cuối thế kỷ XX: năm 1974-1975 và năm 1980-1982...
Cuộc khủng hoảng kinh tế chu kỳ lần đầu tiên của thế kỷ XXI có sự khác biệt so với các cuộc khủng hoảng trước đây cả về quy mô và tính chất. Do tính chất thời đại nên các cuộc khủng hoảng kinh tế ngày nay thường không gắn liền với chiến tranh đế quốc để phân chia lại thị trường thế giới như trước đây. Tuy nhiên, những biểu hiện mới của khủng hoảng thường gắn liền với khủng hoảng tài chính, dầu mỏ, nguyên liệu và cơ cấu kinh tế, nhất là cơ cấu đầu tư, xuất - nhập khẩu... Điều đó cho thấy, sự tích luỹ của các nhân tố tiền khủng khoảng lại là tiền đề cho các cuộc khủng hoảng lớn hơn. Như vậy, chủ nghĩa tư bản điều chỉnh với tham vọng loại trừ quy luật khủng hoảng kinh tế chu kỳ là điều không thể thành hiện thực.
Chúng ta không phủ nhận, trong các thập kỷ vừa qua chủ nghĩa tư bản hiện đại đã có sự thích nghi đáng kể nên đã kéo dài sự tồn tại và phát triển của mình, nhà nước tư bản chủ nghĩa đã có những chính sách, những giải pháp để hạn chế mặt tiêu cực của kinh tế thị trường. Tuy nhiên, sự can thiệp của nhà nước vào thị trường nói chung, bao gồm cả thị trường chứng khoán cũng chỉ là giảm bớt độ sâu biên độ của chu kỳ khủng hoảng chứ không thể khắc phục hoàn toàn tính chu kỳ của khủng hoảng kinh tế. Cần thiết phải nhắc lại rằng, C.Mác trong khi đánh giá rất cao vai trò của con người, vai trò nhân tố chủ quan, “con người không chỉ nhận thức thế giới mà còn cải tạo thế giới”, nhưng C.Mác cũng cho rằng có điều mà con người không thể làm được, đó là: xoá đi một quy luật này hay tạo ra một quy luật khác. Con người dù có thiên tài đến đâu cũng chỉ có thể vận dụng quy luật bằng cách tác động vào những yếu tố, điều kiện, môi trường mà quy luật đang vận động theo hướng có lợi cho mình mà thôi. Điều này rất quan trọng khi xem xét nguyên nhân và tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay, trong đó có giải pháp cắt giảm lãi suất ngân hàng, bơm tiền vào lưu thông, hay liệu pháp “sốc” 700 tỉ USD đang được thực hiện ở Mỹ và một số nước Tây Âu.
Khó có thể phủ nhận rằng chủ nghĩa xã hội vẫn là giải pháp tối ưu để thoát khỏi khủng hoảng kinh tế chu kỳ. Đây là vấn đề mà cả nhân loại, nhất là các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách phát triển của các quốc gia cần phải quan tâm./.
Nguyễn Nhâm
Nguồn: Tạp chí Cộng sản
YÊU NƯỚC THÌ PHẢI THƯƠNG NHÂN DÂN.

YÊU NƯỚC THÌ PHẢI THƯƠNG NHÂN DÂN.


Người Việt có yêu nước không? Ấy, bạn khoan vội nhảy nhổm lên vì câu hỏi có vẻ “phạm thượng” này. Dù đã được khắc ghi vào trí não từ bé và tin như đinh đóng cột rằng, trải qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, từng bao phen đánh thắng mấy đế quốc to nên nhân dân ta luôn luôn có truyền thống yêu nước nồng nàn... thì bạn cũng hãy thử một lần bình tâm suy nghĩ về những điều có vẻ trái tai dưới đây.

Tôi có người bạn vong niên là giáo viên có thâm niên hàng chục năm dạy học và luôn có ý thức truyền ngọn lửa yêu nước cho học trò của mình. Cho đến một ngày, một người bạn nước ngoài trong lúc tâm tình nêu ra một nhận xét làm ông choáng váng: “Tôi thấy người Việt Nam các ông không yêu nước. Yêu nước sao người Việt lại đi làm hại lẫn nhau?”. Rồi người bạn nước ngoài ấy dẫn ra hàng loạt ví dụ về việc người Việt đang hại người Việt như thế nào.
Từ việc người nông dân trồng rau chia hai, luống để nhà mình ăn, không phun thuốc trừ sâu và những luống khác để bán, tha hồ phun thuốc cho rau có vẻ xanh tốt, mặc cho đồng bào mình mua về ăn và bị đầu độc đến người trồng cây ăn trái thoải mái phun thuốc trừ sâu cho cây, mặc cho người tiêu dùng là đồng bào của mình ăn trái cây phải nuốt cả chất độc vào người; người chăn nuôi vô tư sử dụng thuốc tăng trọng, chất tạo nạc và những thứ chất cấm khác, trước khi giết mổ thì bơm nước, chích thuốc an thần cho heo bò, bất chấp tác hại đến sức khỏe đồng bào mình ra sao.
Từ việc người buôn bán, vì đồng lời, bất chấp lương tri, nhập hàng độc hại từ nước ngoài về bán, giết lần giết mòn đồng bào mình đến việc người công nhân, để trả thù ông chủ, tìm cách ăn cắp linh kiện trong nhà máy hay lén bỏ đinh vào thủy sản xuất khẩu, làm hại cả ông chủ lẫn nền kinh tế đất nước. Từ những quan chức nhà nước được cử đi nước ngoài làm nhiệm vụ quảng bá hình ảnh đất nước nhưng không lo làm tròn trách nhiệm của mình, làm vinh danh đất nước mà chỉ lo vun xén, dùng thời gian tha hồ mua sắm, mặc cho hình ảnh đất nước bị tổn hại ra sao; đến những quan chức hoặc chỉ lo khai thác chiếc ghế của mình để làm giàu cho bản thân và phe cánh, mặc cho dân tình đói khổ hoặc chạy theo thành tích, những thứ phô trương hình thức, viển vông mà quên đi cuộc sống còn lầm than của người dân.
Còn nhiều, rất nhiều những ví dụ tương tự. Hàng ngày hàng giờ, người ta vẫn nói yêu nước, hô hào yêu nước, nhưng không ít người, kể cả cán bộ có chức quyền lại đang bỏ quên hoặc làm hại đồng bào mình, nòi giống mình. Yêu nước không đi đôi với thương nòi, thương yêu chính đồng bào mình. 

Bởi từ xưa cha ông ta đã nói: “Yêu nước, thương nòi”. Hai vế luôn đi liền với nhau. Yêu nước phải đi liền, không tách rời với thương nòi, thương yêu đồng bào mình, làm gì cũng không để hại cho đồng bào mình. Đó là đạo lý từ ngàn xưa của dân tộc. Cũng vậy, trong “Năm điều Bác Hồ dạy thiếu nhi”, điều đầu tiên cũng nói: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”. Đó là điều hoàn toàn dễ hiểu, vì nước, Tổ quốc – ngoài lãnh thổ ra – thì quan trọng nhất là con người, là nhân dân, là đồng bào, là những người cùng nòi giống, cùng dòng máu đang làm chủ mảnh đất này.
Chân lý đơn giản như vậy nhưng lại rất thường bị quên lãng khi người ta chỉ thường hay nhắc nhở, nhấn mạnh lòng yêu nước qua sự hy sinh trong chiến tranh, lúc đối mặt với quân thù, khi sự sống và cái chết chỉ cách nhau cái chớp mắt mà không nhấn mạnh, đề cao đủ việc phải sống ra sao cho hợp đạo lý với chính đồng bào của mình ngay trong thời bình, ngay trong cuộc sống thường ngày. Chết vì Tổ quốc là cái chết vinh quang, ta thường được nhắc nhở như vậy. Nhưng hàng ngày, sống tử tế với đồng bào mình, không làm gì hại đến giống nòi, làm gì cũng nghĩ đến ảnh hưởng tới đồng bào mình, đất nước mình, điều đó không phải lúc nào cũng dễ dàng. Đứng trước sự lựa chọn hoặc làm lợi cho mình mà hại cho đồng bào mình hay ngược lại, dù thế nào cũng không làm bất cứ điều gì hại tới đồng bào mình, nó đòi hỏi người ta phải tính toán thiệt hơn và sự lựa chọn không làm gì hại tới đồng bào mình không hề dễ dàng và thua kém về mặt giá trị so với sự hy sinh ngoài trận tiền, dù đây là hành động âm thầm, không được vinh quang theo nghĩa được nhiều người biết đến và tụng ca.
Chết vì Tổ quốc là cái chết vinh quang, ta thường được nhắc nhở như vậy. Nhưng hàng ngày, sống tử tế với đồng bào mình, không làm gì hại đến giống nòi, làm gì cũng nghĩ đến ảnh hưởng tới đồng bào mình, đất nước mình, điều đó không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Trở lại với câu hỏi “Người Việt có yêu nước không?”. Có, người Việt có yêu nước, nhất là trong chiến tranh giành độc lập, trong chiến đấu với kẻ thù bên ngoài để gìn giữ hoặc giành lại chủ quyền đã mất. Nhưng mặt khác, nếu người Việt biết yêu nước bằng cách yêu thương đồng bào mình, yêu thương giống nòi hơn trong thời bình và tránh làm hại nhau thì đất nước có thể đã có nhiều cơ hội phát triển hơn. Yêu nước trong thời bình đòi hỏi những nội dung, những phẩm chất, những giá trị khác với thời chiến. Nó không đòi hỏi hy sinh mạng sống trong tích tắc nhưng lại đòi hỏi lòng yêu thương thực sự đồng bào, giống nòi, đất nước mình trong từng khoảnh khắc. Yêu nước trong thời bình cần nhấn mạnh vào nội hàm thương nòi, thương dân một cách cụ thể. Một quan chức không thể miệng nói yêu nước mà không biết đến cuộc sống còn lầm than của nhiều người dân, hoặc tệ hơn nữa, làm hại dân. Một người bình thường không thể miệng nói yêu nước mà làm hại đồng bào mình. 
Có lẽ chính vì đánh giá cao ý thức, nỗ lực, giá trị của từng con người trong việc mưu lợi cho đồng bào, cho đất nước qua từng hành động cụ thể trong cuộc sống thường ngày mà nhiều người đã hết sức đồng cảm và khâm phục cách suy nghĩ và phát biểu tưởng chừng đơn giản nhưng thật sâu sắc của cô gái Cần Thơ 19 tuổi, kình ngư Ánh Viên, khi cô nói sau khi đoạt huy chương vàng và phá kỷ lục 200m bướm ở đấu trường SEA Games: “Tôi khóc vì không hài lòng với chính mình, bởi bản thân tôi đã mắc một số lỗi không thể chấp nhận được. Tôi đã đạt sáu huy chương vàng và phá bảy kỷ lục SEA Games nhưng tôi sẽ không ngừng phấn đấu mỗi ngày. Khi tôi hài lòng với những gì mình đạt được, chính tôi đã là kẻ thất bại ngay lúc này, chứ không cần phải chờ tới ngày mai. Khi chuẩn bị thi đấu, tôi không nghĩ gì về những chiến thắng đã đạt được, tôi lao xuống nước và nỗ lực như mình chưa giành được gì”.
Giá mà người nào trong chúng ta cũng nghĩ và làm được như cô gái 19 tuổi này, lúc nào cũng thấy mình làm chưa đủ cho giống nòi, cho đất nước thì có lẽ đất nước không lo gì không có cơ hội phát triển.
Đoàn Khắc Xuyên
(*) Bài viết nằm trong chuyên đề "Độc lập, chuyện hôm qua và hôm nay" trên Người Đô Thị số 40 - Phát hành ngày 27.8.2015.
Nguồn: http://nguoidothi.vn/vn/news/nguoi-tre/loi-song/6542/yeu-nuoc-va-thuong-noi.ndt


Popular Posts

Popular Posts